Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa Nhật TN 30, Năm A: Yêu người thân cận là yêu ai?

Bài 37 :

YÊU NGƯỜI THÂN CẬN LÀ YÊU AI?

Dẫn nhập

Khi nói đến Kitô giáo, người ta thường nói đó là đạo bác áiđạo yêu thương, do chính lệnh truyền của Chúa Kitô: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12), và thánh Gioan đã không ngừng nhắc đi nhắc lại 17 lần động từ yêu thương” agapaô (ἀγαπαω) trong thư thứ nhất của ngài: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau (1Ga 4, 11), và còn nhấn mạnh rằng ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em mình thì là kẻ nói dối (x.1Ga 4, 20). Sách Công vụ cho biết các tín hữu thời đó yêu thương nhau nên họ luôn hiệp nhất với nhau, và được toàn dân quý mến (x.Cv 2, 42-47). Cũng chính vì thấy những người “có đạo” sống yêu thương nhau, mà anh chị em lương dân tại Việt Nam, vào thế kỷ XVI, gọi đạo Chúa Kitô là “đạo yêu thương”.

Khi một thầy thông luật hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” thì Người trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhấtCòn điều răn thứ hai là “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 36-39). Điều răn yêu mến Thiên Chúa được Đức Giêsu trích từ kinh “Sơma” (x.Đnl 6, 4-5) được coi như Kinh Tin Kính của người Dothái. Còn điều răn yêu người thân cận thì được trích từ sách Lêvi:“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18). Rồi Đức Giêsu kết luận rằng: “Tất cả Lề Luật và các sách Ngôn Sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 40).

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về điều răn “yêu người thân cận”, với câu hỏi rằng “người thân cận” của chúng ta là ai?, hay yêu người thân cận là yêu ai?

Người thân cận trong Cựu Ước

Tiếng Hípri là rêa (רֵעַ).

Điều răn “yêu người thân cận” được nói đến trong bối cảnh của Lv 19, 11-18. Đoạn văn này đưa ra những chỉ thị mang tính luân lý mà dân Ítraen phải tuân giữ, theo như Giao Ước đã được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân Ítraen qua trung gian ông Môsê (cc.1-2). Chẳng hạn như chỉ thị: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận con cái dân ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Ta là Đức Chúa” (19, 18). Như vậy, “người thân cận” ở đây có thể được hiểu song đối với “con cái dân ngươi”, tức là người Ítraen. Nói chung, trong Cựu Ước, theo quan niệm xã hội của người Ítraen thời xưa, người thân cận thường được hiểu theo nghĩa giới hạn là người đồng bào, đồng hương, đồng đạo (x.Is 66, 20; Mk 5, 7; Nkm 5, 8). Cụ thể là những người trong cộng đồng Ítraen cùng sống theo Giao Ước được Thiên Chúa thiết lập với họ, tức là những thành viên của cộng đồng Ítraencủa thị tộc hay thị tộc liên minh (x.St 29, 15; 31, 32; Tl 9, 18). Ngoài ra, đối với một số nhóm người trong Dothái giáo như nhóm Pharisêu, nhóm Étxêni (sống tách biệt thành cộng đoàn Cumran), thì chỉ những thành viên trong nhóm mới là người thân cận mà thôi. Đối với người Dothái giáo Hylạp hoá hay sống tại Alêxanria, vì giao tiếp thường ngày với người Hylạp, theo những mức độ khác nhau, nên người thân cận đối với họ có thể là mọi công dân (x.2Mcb 4, 36; Kn 12, 19)[1].

Thật ra, trong Cựu Ước, “yêu người thân cận” cũng có lúc được mở rộng đến cả ngoại kiều đang sống trên đất Ítraen: “Người ngoại kiều trú ngụ với các ngươi sẽ được coi như một người bản xứ” (Lv 19, 34; x.Đnl 10, 19). Tác giả sách Xuất hành còn nói rõ hơn rằng đức bác ái không những chỉ giữa người Ítraen với nhau, hay với những người bất hạnh như goá bụa, mồ côi và nghèo khó, mà còn cả với người ngoại kiều, cũng phải coi họ là những người thân cận: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Aicập” (Xh 22, 20). Họ cũng là những người đáng thương, cần được giúp đỡ và bảo vệ. Nếu họ là nạn nhân của bất công, họ kêu cầu lên Đức Chúa và Người sẽ đến giúp họ, trừng trị những kẻ ngược đãi họ.

Tóm lại, trong Cựu Ước, định nghĩa người thân cận vẫn chưa được xác định rõ, vì có thể thay đổi theo thời gian và tuỳ thuộc môi trường tôn giáo và xã hội. Vậy, vào thời Đức Giêsu, khi nói đến giới răn yêu người thân cận, thì Đức Giêsu coi ai là người thân cận? Hay nói cách khác, theo Đức Giêsu, yêu người thân cận là yêu ai?

Người thân cận trong Tân Ước

Tiếng Hyạp là plêsion (πλησίον).

Khi nói đến giới răn yêu người thân cận như chính mình, Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh người thân cận không chỉ giới hạn trong những người đồng bào, đồng hương, đồng đạo của mình, hay người bà con thân thuộc, bạn hữu, nhưng phải bao gồm hết thảy mọi người, ngay cả kẻ thù, hay những kẻ ngược đãi chúng ta, vì Thiên Chúa yêu thương mọi người (x.Mt 5, 43-48). Có thể nói giáo huấn của Đức Giêsu về giới răn yêu người thân cận được Người trình bày cách sinh động qua dụ ngôn người Samari tốt lành (x.Lc 10, 25-37). Vào thời Đức Giêsu, khái niệm về “người thân cận” vẫn còn trong tranh luận, điều này phản ánh qua câu hỏi của thầy thông luật: “Ai là người thân cận của tôi?” (c.29). Để trả lời cho câu hỏi này, Đức Giêsu kể dụ ngôn về “một người kia” (ἄνθρωπός τις) bị rơi vào tay kẻ cướp, bị lột sạch và bị đánh nhừ tử, nằm nửa sống nửa chết trên đường đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô (c.30). Anh ta ở trong tình cảnh đáng thương và cần được giúp đỡ. Trong tình cảnh đó, ai ra tay cứu giúp nạn nhân này, thì đó chính là người thân cận của kẻ bị nạn.

Thầy tư tế và thầy Lêvi là những người biết Lề Luật nên lẽ ra càng phải giữ luật bác ái. Thế nhưng, khi đi ngang qua và trông thấy nạn nhân thì họ lại tránh sang bên kia mà đi (x.Lc 10, 31-32). Có thể họ nghĩ đến sự thanh sạch luân lý và an toàn của bản thân hơn là sự sống của người bị nạn, nên đã không dừng lại cứu giúp. Còn người Samari là người ngoại bang, thường thì căm ghét người Dothái, vì bị người Dothái khinh miệt và bị coi là lạc giáo. Tuy nhiên, thái độ của người Samari ở đây khác hẳn với hai người Dothái trước đó. Người này trông thấy nạn nhân, thì đã chạnh lòng thương, lại gần nạn nhân, đổ dầu và rượu lên vết thương của nạn nhân, đưa đến quán trọ và làm tất cả những gì có thể được để cứu chữa nạn nhân (x.Lc 10, 33-35).

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho thấy không thể vạch ra một giới hạn chính xác trong việc yêu thương người thân cận. Đức Giêsu không nêu ra những tiêu chí, hay xác định một con số giới hạn gồm ai là người thân cận mà chúng ta phải yêu thương. Nhưng Đức Giêsu muốn thay đổi quan niệm về người thân cận, bằng cách đảo ngược câu hỏi của người thông luật, thay vì hỏi rằng: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10, 29), thì Đức Giêsu hỏi người thông luật: “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10, 36). Nghĩa là thay vì hỏi “ai là người thân cận của tôi”, thì phải tự hỏi “tôi là người thân cận của ai?” Nói cách khác, cách đặt câu hỏi của Chúa Giêsu gợi lên ý tưởng: “Tôi có trách nhiệm là người thân cận với ai?”, hay “Tôi phải làm gì cho người khác để trở thành người thân cận của họ?” Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu dường như cố ý chọn một người Samari làm kiểu mẫu cho một “người thân cận” đích thực. Người Samari không thuộc dân Dothái chính quy, bị coi là lạc đạo, không hiểu thông về Thiên Chúa và Luật Dothái như người thông luật, cũng không có phẩm cách của vị tư tế hay thầy Lêvi. Thế nhưng, người Samari lại có tấm lòng nhân ái hơn hẳn hai người Dothái kia, và đã thực hành điều răn yêu người cách triệt để. Như thế, Đức Giêsu muốn dạy rằng người thân cận là người biết liên đới với người khác, là người biết chạnh lòng thương và sẵn sàng cứu giúp những ai đang gặp đau khổ. Và để không còn giới hạn hay phân biệt ai là người thân cận, ai không phải là người thân cận, Đức Giêsu bảo người thông luật: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (10, 37b), nghĩa là hãy làm như người Samari đã làm cho người bị nạn. Làm cho mình trở thành người thân cận của mọi người, là sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người đang trong tình trạng quẫn bách, khó khăn, hiểm nguy bất luận họ là ai, ở địa vị nào, nghề nghiệp gì, không phân biệt màu da, giai cấp hoặc tôn giáo.

Kết luận

Quan niệm về “người thân cận” trong cuộc sống người Dothái, trải qua thời gian lâu dài với những bước tiến triển, đã có được ý nghĩa khá rộng rãi; nhưng chỉ khi Đức Giêsu đến, Người mới làm cho ý nghĩa “người thân cận” trở nên phổ quát, vượt qua mọi ranh giới. Do đó, “người thân cận” là tất cả những người chúng ta gặp gỡ trên đường đời, đang cần đến sự yêu thương, giúp đỡ của chúng ta. Có thể nói, giới răn yêu thương người thân cận như chính mình là nét độc đáo trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Giới răn này được mô tả như là “luật hàng đầu theo Kinh Thánh” (Gc 2, 8), và ai thi hành giới răn này thì xem như chu toàn mọi Lề Luật, như lời thánh Phaolô khẳng định trong thư gửi tín hữu Galát: “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5, 14; x.Rm 13, 8-10; Mt 19, 19).

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các Kitô hữu sống triệt để giới răn yêu người thân cận như Chúa Giêsu đã sống và nêu gương: “Chúng ta đừng bao giờ quên: đứng trước tình trạng đau khổ của biết bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và các bất công, chúng ta không thể cứ ở đó mà nhìn như là khán giả. Không biết đến tình trạng đau khổ của con người, điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là không biết Thiên Chúa! Nếu tôi không đi đến với người đàn ông ấy, người đàn bà ấy, em bé ấy, người cao tuổi đang đau khổ ấy, tôi cũng chẳng đi đến với Thiên Chúa”.

Nguồn: tgpsaigon.net


[1]Dictionnaire encyclopédique de la Bible (DEB), 3 edition, 2002 Brepols, le mot “prochain”, p. 1058.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng